Đặc điểm Hán_thư

Nội dung

Hán thư tuy mô phỏng cách làm sử của Sử ký nhưng có những thay đổi, sáng tạo mới. Ban Cố không đề cập các thời đại trước nhà Hán như Tư Mã Thiên mà chỉ tập trung vào viết sử về nhà Hán. Ban Cố cho rằng, thể loại kỷ truyện của Sử ký bao quát một thời kỳ quá dài, làm mờ nhạt vai trò của nhà Hán đương thời, do đó ông chỉ lựa chọn giai đoạn nhà Hán làm sách.

Hán thư được đánh giá là bộ sử về lịch sử giai đoạn hoàn chỉnh nhất ở Trung Quốc[1].

Đối với các hoàng đế nhà Hán, Hán thư không gọi là Bản kỷ mà gọi là Kỷ.

Ban Cố nói riêng và các tác giả nói chung viết sách trên tư tưởng độc tôn vị trí của nhà Hán trong sách, chuyển Hạng Vũ từ "Bản kỷ" trong Sử ký sang "Trần Thắng Hạng Tịch liệt truyện" vì Hạng Vũ không phải vua nhà Hán. Tương tự với Vương Mãng dù là vua nhà Tân nhưng là kẻ thù của nhà Hán hay một vua Hán khác là Lưu Bồn Tử (được quân khởi nghĩa Xích Mi lập nên), do chống lại Hán Quang Vũ Đế, cũng chỉ được chép vào liệt truyện. Ban Cố bổ sung thêm thiên bản kỷ về Hán Huệ Đế mà trong sử ký gộp vào trong bản kỷ về Lã hậu.

Hán thư là kho tư liệu phong phú và đa dạng, trong đó bảo lưu được nhiều văn kiện lịch sử quan trọng có giá trị, với nhiều chiếu thư, tấu chương và trước tác thể hiện sách lược, mưu kế, tư tưởng chính trị, ngoại giao của các nhân vật. Hán thư còn bổ sung thêm khá nhiều tư liệu về các dân tộc thiểu số mà Tư Mã Thiên chưa đề cập trong Sử ký.

Ngoài ra, Hán thư còn có các thiên Bách quan công khanh biểu, Hình pháp chí, Địa lý chí, Nghệ văn chí mà Sử ký không có.

Tư tưởng

Bản in thời Minh, lưu trữ tại thư viện Thiên Nhất Các, Ninh Ba

Hán thư theo tư tưởng Nho giáo chính thống rõ nét. Thời kỳ các tác giả soạn Hán thư, tư tưởng thần học phong kiến đã rất phát triển và trở thành tư tưởng thống trị xã hội. Chính vì vậy, hệ tư tưởng trung quân ái quốc trở thành tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm.

Do đó, một mặt tiếp thu sử liệu từ Sử ký, mặt khác Hán thư lại phê phán Sử ký là vô quân vô chủ, vô thánh vô thần. Điều đó giúp Hán thư trở thành công cụ đắc lực bảo vệ cho hệ tư tưởng phong kiến và được triều đình nhà Hán hoan nghênh[2].

Trên tư tưởng đó, Hán thư vứt bỏ tư tưởng tiến bộ "cùng thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi tiến" của Tư Mã Thiên[2] và tập trung ca ngợi học thuyết thần bí về thiên nhân tương ứng và âm dương ngũ hành, coi đó là quy luật vĩnh hằng của sự phát triển xã hội. Điều này thể hiện trong thiên "Ngũ hành chí". Ban Cố tập trung trận luận thuyết của Đổng Trọng Thư, Lưu Hướng, Lưu Hâm… về học thuyết âm dương ngũ hành. Trong rất nhiều sự kiện lịch sử, Hán thư dựa vào sự thiên biến để kiểm chứng nhân sự. Điều này không hề có trong Sử ký Tư Mã Thiên.

Tư tưởng phong kiến chính thống của Hán thư rất có lợi cho giai cấp phong kiến thống trị qua các thời đại. Truyện Ban Cố trong sách Hậu Hán thư chép rằng:

"Các học giả không ai không ca ngợi Hán thư. Các triều đại về sau cũng không ngừng sao chép, in ấn cuốn sách này"[3].

Văn phong

Khi viết tác phẩm này, Ban Cố sử dụng khá nhiều cổ văn, dùng chữ Hán cổ. Do đó, đây là tác phẩm khó đọc, khó tiếp cận và nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đánh giá, thậm chí ngay cả những người cùng thời với Ban Cố chưa chắc đã hiểu hết Hán thư[4].

Chính vì vậy, đời sau có nhiều học giả chú thích cho Hán thư. Theo ghi chép của Tùy thư, từ thời Đông Hán đến thời Nam Bắc triều, đã có hơn 20 học giả tiếp cận với Hán thư, trong đó phần lớn là chú thích.

Tuy nhiên, các bản chú thích Hán thư trước thời nhà Đường đều không còn. Phiên bản chú thích cổ nhất còn được lưu giữ là của Nhan Sư Cổ[5] và một số học giả cùng biên soạn. Ngoài ra còn hai bản phổ biến khác là "Hán thư bổ giải" của Vương Tiến Khiêm đời nhà Thanh và "Hán thư bổ chú bổ chính" của Dương Thúc Đạt thời cận đại[4]